Nhãn hiệu như thế nào được coi là một nhãn hiệu mạnh?

Photo by Mike Cassidy on Unsplash

Nhãn hiệu mạnh

Sở hữu một nhãn hiệu mạnh tự thân có khả năng phân biệt là điều vô cùng quan trọng đối với một doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là nhãn hiệu nhanh chóng và rõ ràng xác định doanh nghiệp của bạn là nguồn gốc của hàng hóa hoặc dịch vụ của bạn. Nhãn hiệu càng mạnh, bạn càng dễ dàng ngăn cản người khác sử dụng nhãn hiệu đó khi chưa có sự cho phép của bạn. Nhãn hiệu yếu có thể gây khó khăn và tốn kém trong quá trình bảo hộ vì chúng không có các biện pháp bảo hộ pháp lý giống như các nhãn hiệu mạnh.

Nhãn hiệu mạnh mang tính chất gợi ý, tưởng tượng hoặc tùy ý. Nhãn hiệu yếu có tính chất mô tả hoặc chung chung. Hãy nghĩ về chúng theo cách: bạn muốn nhãn hiệu của mình là một nhãn hiệu mạnh hay “nóng”, thay vì yếu hay “lạnh”.

Nhãn hiệu được chấp nhận

Nhãn hiệu mạnh thường là sáng tạo hoặc độc đáo, giúp làm cho doanh nghiệp của bạn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Các nhãn hiệu này bao gồm các nhãn hiệu mang tính chất gợi ý, tưởng tượng hoặc tùy ý.

Nhãn hiệu tưởng tượng là những từ tự nghĩ ra, không có trong từ điển. Chúng chỉ có ý nghĩa liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ của chúng. Ví dụ: Exxon® cho dầu mỏ hoặc Pepsi® cho nước ngọt.

Nhãn hiệu tùy ý là những từ thực tế (từ có trong từ điển) không có liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ từ “apple” (quả táo). Nếu người trồng táo tìm cách đăng ký từ “apple” làm nhãn hiệu cho loại táo mà họ trồng, nhãn hiệu đó sẽ bị từ chối bảo hộ. Tuy nhiên, Apple® đã được đăng ký làm nhãn hiệu cho máy tính. Apple® dành cho máy tính là độc đáo.

Nhãn hiệu gợi ý là những từ gợi ý một phẩm chất nào đó của hàng hóa hoặc dịch vụ, nhưng không nêu rõ phẩm chất của hàng hóa hoặc dịch vụ đó. Ví dụ: Coppertone® cho sản phẩm nhuộm da (copper nghĩa là đồng và tone nghĩa là tông màu). Nhãn hiệu này tạo ấn tượng rằng sử dụng dầu nhuộm da Coppertone® sẽ làm cho làn da trở nên lung linh như đồng.

Nhãn hiệu không được chấp nhận

Nhãn hiệu yếu khó được bảo vệ trước các đối thủ cạnh tranh và thường không được cơ quan đăng ký chấp nhận bảo hộ. Các nhãn hiệu này bao gồm nhãn hiệu mang tính mô tả và chung chung.

Nhãn hiệu mô tả chỉ đơn giản mô tả một số khía cạnh của hàng hóa hoặc dịch vụ mà không xác định hoặc phân biệt nguồn gốc của hàng hóa hoặc dịch vụ đó. Chúng chỉ có thể được bảo hộ trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như nhãn hiệu đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng rộng rãi trên thị trường trong nhiều năm.

Một số ví dụ về nhãn hiệu mô tả bao gồm:

  • “Creamy” cho sữa chua
  • “Apple pie” cho sản phẩm túi thơm
  • “Bed & breakfast registry” cho dịch vụ đặt phòng

Bạn có thể thắc mắc rằng nhãn hiệu mang tính mô tả và nhãn hiệu gợi ý khác nhau như thế nào. Nhãn hiệu mô tả ngay lập tức đưa ra ý tưởng về hàng hóa hoặc dịch vụ là gì, trong khi nhãn hiệu gợi ý ám chỉ hàng hóa hoặc dịch vụ. Ví dụ: từ “bronzer” (đồng thau) cho dầu nhuộm da sẽ là từ mô tả về một loại dầu giúp làm cho da sáng như đồng thau và sẽ không thể đăng ký làm nhãn hiệu cho những hàng hóa đó. Trong khi Coppertone® là nhãn hiệu gợi ý, đã được đăng ký cho sản phẩm nhuộm da.

Nhãn hiệu chung chung thậm chí không phải là nhãn hiệu. Chúng chỉ là tên thông dụng hàng ngày cho hàng hóa hoặc dịch vụ. Do vậy, chúng không cho biết nguồn gốc của sản phẩm hoặc dịch vụ và không có chức năng của một nhãn hiệu. Do đó, nhãn hiệu chung chung sẽ bị cơ quan đăng ký từ chối bảo hộ.

Một số ví dụ bao gồm:

  • “Xe đạp” cho sản phẩm xe đạp
  • “Cà phê” cho quán cà phê
  • “Vé điện tử” cho dịch vụ đặt vé điện tử

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *