Tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) là thuật ngữ dùng để mô tả những thành quả sáng tạo trí tuệ. Mặc dù vô hình (không phải là vật chất), tài sản sở hữu trí tuệ có giá trị vô cùng lớn vì nó mang lại cho chủ sở hữu những quyền nhất định – bao gồm cả việc độc quyền khai thác tài sản SHTT vì lợi nhuận và quyền ngăn chặn người khác sử dụng tài sản SHTT của mình. Các quyền này thường được gọi là quyền SHTT. Mục đích của luật SHTT là bảo hộ và điều chỉnh tất cả các khía cạnh của quyền SHTT.
Thông thường, khi nghĩ đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mọi người có xu hướng nghĩ rằng nó chỉ liên quan đến giới truyền thông – nghệ sĩ, diễn viên và nhà văn. Quyền SHTT rộng hơn thế. Có nhiều khía cạnh khác nhau của quyền SHTT cũng áp dụng đối với các công ty lớn, cũng như các công ty khởi nghiệp.
Rất tiếc là nhiều công ty khởi nghiệp có tư tưởng dễ dãi đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này thường bắt nguồn từ việc tin rằng “ý tưởng thì đầy rẫy; hiện thực hóa ý tưởng mới là điều quan trọng”. Vấn đề của tư tưởng này là sự chậm trễ trong việc bảo hộ quyền SHTT của một công ty khởi nghiệp có thể gây ra tác hại nghiêm trọng và đôi khi không thể đảo ngược đối với công ty khởi nghiệp, cả trên quan điểm pháp lý và kinh doanh. Quyền SHTT là vấn đề quan trọng, đó là lý do vì sao các công ty như Google, Apple và các công ty công nghệ khổng lồ khác chi hàng tỷ đô la vào các vụ kiện để bảo hộ quyền SHTT của họ.
Quyền SHTT của một công ty khởi nghiệp công nghệ thường là tài sản quý giá nhất của họ. Các sản phẩm và dịch vụ mà công ty đưa ra thị trường sẽ giúp công ty đảm bảo thị phần và kiếm được doanh thu. Tuy nhiên, cả thị phần và doanh thu sẽ không được đảm bảo nếu công ty không thể ngăn các công ty khác ăn cắp các khái niệm, thương hiệu và phát minh của mình. Quyền SHTT cũng là yếu tố được các nhà đầu tư cân nhắc vì họ muốn biết rằng công ty khởi nghiệp có quyền kiểm soát tất cả các ý tưởng, mã và thương hiệu sẽ cần để công ty phát triển và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ của mình. Rõ ràng, nếu không có quyền SHTT, một công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ có ít đòn bẩy trên thị trường. Do đó, cần bảo hộ các quyền này càng sớm càng tốt.
Khi các công ty khởi nghiệp mở rộng quy mô và bắt đầu chia sẻ thông tin với nhiều đối tác và nhà cung cấp hơn, tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT của họ sẽ tăng theo, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, nơi tích hợp API – và các bên truy cập vào hệ thống của nhau – là thông lệ.
Hầu hết các sản phẩm và dịch vụ có thể được bảo hộ bằng sự kết hợp các quyền SHTT. Ví dụ: phần mềm máy tính có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu và bí mật thương mại. Apple bảo hộ một số tính năng nhất định của iPhone và các sản phẩm khác bằng các bằng sáng chế và sử dụng quyền tác giả để bảo hộ mã thực của hệ điều hành macOS và iOS. Apple cũng sử dụng luật nhãn hiệu để bảo hộ tên Apple và các nhãn hiệu logo, các dấu hiệu này nhận dạng các sản phẩm của Apple. Và Apple sử dụng luật bí mật thương mại để bảo hộ thiết kế và các thành phần của các thiết bị sắp ra mắt.
Các bước cụ thể cần thiết để bảo hộ quyền SHTT sẽ phụ thuộc phần lớn vào loại tài sản SHTT có liên quan, như đã nêu ở trên. Các công ty khởi nghiệp thường cần phải sử dụng Thỏa thuận Không Tiết lộ để đảm bảo rằng họ có thể hạn chế việc nhân viên hoặc bên thứ ba chiếm đoạt thông tin bí mật liên quan đến những đổi mới của họ. Ngoài ra, điều quan trọng là phải nhanh chóng bắt đầu quá trình đăng ký nhãn hiệu và sáng chế, để ngăn người khác đăng ký chúng trước và từ đó có được quyền sở hữu.
Ngay cả khi đã thực hiện các bước nêu trên để thiết lập quyền SHTT, kể cả khi đã có được văn bằng bảo hộ, chúng vẫn có thể bị các công ty khác xâm phạm. Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng là phải nhanh chóng hành động để buộc họ dừng lại và khôi phục thiệt hại cho bất kỳ tổn thất nào mà hành vi vi phạm của họ có thể đã gây ra và cho chính hành vi vi phạm quyền. Quy trình này được gọi là bảo hộ quyền SHTT và có thể chỉ đơn giản là luật sư của bạn gửi thông báo cho bên vi phạm, đến việc kiện bên vi phạm để thực thi các quyền của bạn, tùy từng trường hợp.
Việc nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp bảo hộ quyền SHTT không bao giờ là quá mức. Một công ty khởi nghiệp khó có thể tồn tại nếu quyền SHTT của họ không được kiểm soát một cách an toàn. Một số lỗi phổ biến hơn mà các công ty khởi nghiệp hay mắc phải, chẳng hạn như không chuyền giao quyền SHTT cho công ty, có thể vô cùng khó khắc phục nếu không được giải quyết sớm. Việc đăng ký cũng thường gắn liền với tính thời điểm như đã nêu ở trên, và việc không đăng ký kịp thời có thể dẫn đến việc một công ty khác thiết lập các quyền có liên quan. Rõ ràng, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải là một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của mọi công ty khởi nghiệp, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng, ngăn chặn vi phạm và tăng doanh thu.